[Tư vấn 24/7] Kinh nguyệt kéo dài bao lâu là bình thường?
Kinh nguyệt kéo dài bao lâu là bình thường? Đây chắc hẳn là thắc mắc thường gặp ở những chị em có kỳ hành kinh kéo dài hoặc những bạn gái mới bước vào tuổi dậy thì. Nhiều người còn thắc mắc kinh nguyệt kéo dài 15 ngày, kinh người kéo dài 10 ngày có sao không? Nếu bạn cũng là một trong số đó, đừng lo lắng, hãy khám phá câu trả lời ngay sau đây!
Kinh nguyệt kéo dài bao lâu là bình thường?
Sẽ là rất khó khăn để xác định chính xác thời gian xảy ra kinh nguyệt của từng chị em, bởi điều này tùy thuộc vào sức khỏe và cơ địa mỗi người. Thực tế, thời gian hành kinh của một người có thể dài ngắn khác nhau.
Với những chị em đã trưởng thành, không áp dụng biện pháp tránh thai nội tiết, thì thông thường thời gian hành kinh kéo dài từ 3 tới 7 ngày và không dài quá 7 ngày. Trong đó, máu kinh sẽ ra nhiều nhất ở hai ngày đầu, và giảm dần trong những ngày tiếp theo.
Với những chị em có kinh nguyệt đều đặn hơn, thì thời gian hành kinh thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Tình trạng vượt quá 7 ngày sẽ được coi là rong kinh, và cần phải đi khám để tìm ra nguyên nhân nếu tình trạng này lặp lại thường xuyên.
Lần đầu có kinh nguyệt kéo dài bao lâu?
Lần đầu có kinh nguyệt kéo dài bao lâu là thắc mắc rất thường gặp ở những bạn gái mới bước vào độ tuổi dậy thì. Như bạn đã biết, từ 3 tới 7 ngày là thời gian của một chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Nhưng với những bạn gái lần đầu có kinh, thì máu kinh thường ra rất ít, có lúc chỉ thấy kinh nguyệt ra dưới dạng một vệt máu đỏ nâu. Với một số người khác, lần đầu có kinh thường chỉ kéo dài vài ngày. Nhưng bạn cũng không nên quá lo lắng, bởi sau một thời gian khi nội tiết tố dần ổn định, thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ dần đều đặn hơn.
Kinh nguyệt kéo dài 10 ngày có sao không? Kinh nguyệt kéo dài 15 ngày thì sao?
Kinh nguyệt kéo dài 10 ngày, 15 ngày, thậm chí một tháng được coi là dấu hiệu của tình trạng rong kinh. Rong kinh là một loại rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở nữ giới, theo thống kê thì cứ 20 người sẽ có một người mắc phải.
Khi chị em bị rong kinh, ngoài việc thời gian hành kinh dài hơn 7 ngày thì còn xuất hiện các triệu chứng:
- Có nhiều cục máu đông.
- Chảy máu rất nhiều, có khi chỉ sau 2 giờ đã thấy băng vệ sinh ướt.
- Đau bụng dưới dữ dội.
- Cảm thấy mệt mỏi và khó thở.
Rong kinh kéo dài có khả năng dẫn tới thiếu máu nếu không được điều trị. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, cũng như các hoạt động thường ngày của chị em.
Chu kỳ kinh nguyệt như thế nào chị em cần đi thăm khám?
Ở mỗi người, tính chất của chu kỳ kinh nguyệt lại có sự khác biệt. Có người chỉ chảy máu kinh ba ngày là hết, nhưng cũng có người phải mất khoảng 7 ngày. Nếu như tình trạng chảy máu kinh của bạn không bình thường, hoặc đi cùng các triệu chứng lạ như đau bụng dữ dội… thì tốt hơn nên đến cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác tình trạng đang gặp phải, từ đó có hướng xử lý phù hợp.
Nhiều người do chủ quan và thiếu hiểu biết, mà cho rằng chu kỳ kinh nguyệt thay đổi bất thường chẳng qua do ăn uống không hợp lý hoặc thời tiết thay đổi… Sự chủ quan này có thể khiến bệnh âm thầm phát triển trong cơ thể mà không biết, cho tới khi biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Sau đây là một số tình trạng bất thường của chu kỳ kinh nguyệt:
- Rong kinh: Xảy ra khi máu kinh nguyệt ra nhiều và dài hơn 7 ngày.
- Rong huyết: Khi máu ra dài hơn 7 ngày nhưng lại không mang tính chu kỳ thì gọi là rong huyết. Rong kinh kéo dài hơn 15 ngày cũng được gọi là rong huyết. Nhìn chung đây là một tình trạng nguy hiểm, cần được xử lý y tế để tránh gây biến chứng.
- Cường kinh: Xảy ra khi máu kinh nguyệt ra nhiều bất thường, và cũng kéo dài khiến chị em bị giảm sút sức khỏe nghiêm trọng do mất nhiều máu.
Ngoài các tình trạng rong kinh và kinh nguyệt kéo dài, chị em còn có thể gặp phải các rối loạn kinh nguyệt khác như thiếu kinh, vô kinh, kinh nguyệt không đều và màu sắc cũng thay đổi…
Điều trị kinh nguyệt kéo dài tại cơ sở y tế
Khi thấy chu kỳ kinh nguyệt bất thường, kinh nguyệt kéo dài hơn 10 ngày, thì tốt nhất bạn nên đi khám ngay. Các bác sĩ sẽ chẩn bệnh và cho bạn điều trị với các phương pháp phù hợp. Các phương pháp thường gặp có thể gồm:
- Dùng ibuprofen để giảm đau
- Dùng thuốc bổ sung sắt
- Dùng thuốc cầm máu nhằm giảm lượng máu chảy ra
- Sử dụng thuốc bổ sung hoóc-môn hoặc thuốc ngừa thai để điều hòa kinh nguyệt và giảm lượng máu chảy.
Nếu các cách trên không hiệu quả, thì trong một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
Kinh nguyệt kéo dài bao lâu là một mối quan tâm hết sức thiết thực của chị em phụ nữ. Tính được số ngày của chu kỳ kinh sẽ giúp chị em hiểu rõ hơn về sức khỏe của mình và có những ứng phó phù hợp khi xảy ra sự bất thường!
(Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Loan)